Có lẽ chúng ta nhận thấy rõ rằng email ngày càng trở thành một phương thức trao đổi thông tin phổ biến. Đối với các doanh nghiệp, email là một kênh tiếp thị quan trọng trong chiến lược marketing trực tuyến. Nghiên cứu của Jupiter Research (US Email marketing forecast 2007-2012) cho thấy mỗi một đồng đầu tư cho email marketing sẽ mang lại 46 đồng lợi nhuận. Tôi nhận thấy các doanh nghiệp Mỹ đã và đang sử dụng những thủ thuật email marketing mang lại hiệu quả trên vốn đầu tư khá cao. Tạm thời có thể gói gọn trong 10 thủ thuật sau:
1. Xây dựng và phát triển danh sách
Nói đến email marketing là nói đến xây dựng những mối quan hệ giúp gia tăng giá trị thương hiệu và tăng doanh thu.
Xây dựng danh sách là bước đầu tiên rất quan trọng nhằm đánh đúng đối tượng khách hàng nhận email. Danh sách có thể được xây dựng từ 2 nguồn chính:
· Đăng ký (Opt-in):
Khách hàng chủ động đăng ký, chọn vào hộp nhận email từ công ty của bạn. Muốn đạt được điều này, điều đương nhiên là thông tin bạn chuyển tải phải mang lại giá trị đến cho khách hàng.
Nếu có sẵn 1 danh sách khách hàng, đương nhiên bạn có thể gửi 1 thông báo xin phép đưa họ vào danh sách nhận email.
· Lead generation:
Khi đối tượng mà bạn muốn tiếp cận chọn tham gia seminar, tải đoạn nhạc hoặc muốn nhận những báo cáo thị trường từ công ty bạn, yêu cầu họ cung cấp địa chỉ email để được phép khai thác sau này. Lưu ý đính kèm những thông tin về bảo mật và những quy định về sử dụng thông tin khác.
· Các kênh khác: phòng dịch vụ khách hàng, thu thập thông tin khách hàng trực tiếp, khuyến khích đăng ký thành viên trên quảng cáo báo, hoặc thông qua hình thức gửi tin nhắn để nhận một phần thưởng khuyến khích đặc biệt. Ngoài ra, công ty bạn có thể thu thập thông tin từ những nguồn khác: co-registration (đặt hộp thu thập thông tin trên website của công ty khác, khách hàng có thể chọn lựa nhận email từ công ty bạn trong khi đăng ký trên website của công ty đối tác), thuê danh sách, v.v.
Tạo form để khách hàng đăng ký nhận email trên website công ty. Tham khảo them trên trang http://www.htmlgoodies.com/tutorials/forms
· Nên lưu ý kiểm tra nguồn dữ liệu cho phù hợp với đối tượng khách hàng mà bạn muốn tiếp cận, đồng thời thông tin phải hợp pháp.
2. Thủ thuật tạo một email hiệu quả:
a. Tạo được ấn tượng về thương hiệu:
Dòng “địa chỉ gửi” và “tiêu đề” là vô cùng quan trọng, nó quyết định một phần lớn thư có được mở ra hay không, nó quyết định hiệu quả của email. Tiếp đến là thông điệp về giá trị thương hiệu của bạn được truyền tải đến người nhận như thế nào.
b. Thiết kế email thông minh
· Thiết kế email súc tích và nhắm vào mục tiêu, phải tạo được điểm nhấn vì người đọc không đọc từng dòng trong email của bạn. Tâm lý người đọc lúc nào cũng ghét có quá nhiều chữ và thích những gạch đầu dòng đơn giản.
· Tiêu đề phải cuốn hút và cho biết nội dung chính cũng như giá trị mà email mang lại, có tính thúc đẩy hành động (call-to-action), truyền tải được thông tin về thương hiệu. Tôi thường nhận được email của một ngân hàng lớn của Mỹ, dòng tiêu đề thường cho thấy bạn sẽ được những lợi ích mới (ví dụ: tăng thêm điểm thưởng, hoặc tặng 1 vé bay nội địa, v.v.) nhưng nội dung chi tiết thì phải đọc trong kỹ trong email.
· Cá nhân hóa nội dung email, đưa tên của người nhận vào email sẽ làm người nhận cảm thấy được coi trọng hơn và đương nhiên sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
c. Thúc đẩy mua hàng
· Luôn đưa thông tin mới và quan trọng lên trước khi email bị xóa, nhất là nhưng lợi ích mà email mang lại cho người đọc.
· Chú ý “điểm nhấn” trong email để thu hút sự chú ý chẳng hạn như tạo hộp thông tin nổi bật, màu sắc và kết cấu, v.v.
d. Tạo hiệu ứng lan truyền (Viral marketing)
· Nội dung cần nhắm trực tiếp đến cá nhân người nhận và phải độc đáo, tạo hứng thú cho người nhận chuyển tiếp đến cho bạn bè. Ví dụ: “Hãy là người đầu tiên trải nghiệm cảm giác màn hình cực rộng” là những tiêu đề có tỷ lệ được mở ra xem nhiều nhất.
· Đảm bảo bạn có kèm một đường link “Gửi cho bạn bè” để người nhận có thể dễ dàng chuyển cho người khác thông điệp mà bạn muốn truyền tải.
· Loại bỏ ngôn ngữ marketing chuyên nghiệp và sử dụng ngôn ngữ của người tiêu dùng.
· Tạo mối quan hệ với những opinion leaders, những người có chuyên môn và có khả năng thuyết phục người khác.
· Luôn lấy kế hoạch marketing tổng thể làm định hướng và khởi đầu bằng những ý tưởng lớn. Các chiến thuật của bạn phải hỗ trợ cho kế hoạch marketing chung.
3. Kiểm tra hiệu quả (Testing and deliverability)
Theo nghiên cứu, những nhà tiếp thị biết kiểm tra đo lường hiệu quả chiến lược email marketing sẽ luôn đạt được hiệu quả cao hơn. Những điểm bạn cần kiểm tra thường xuyên: Tiêu đề, thiết kế của email, tần suất gửi email, thời gian thích hợp để gửi. Bạn có thể sử dụng Google ad words để xem dòng tiêu đề nào mang lại hiệu quả mở email cao hơn.
Kiểm tra kỹ trước khi gửi: Tạo nhóm danh sách chuẩn gồm càng nhiều địa chỉ từ các ISP càng tốt (ví dụ như gmail, yahoo, fpt.com.vn, v.v.) để thử email và có giải pháp khi phát hiện nguyên nhân email không đến người nhận.
Phân danh sách người nhận thành nhiều nhóm với các tiêu đề khác nhau để thử hiệu quả. Đồng thời, kiểm tra độ phân giải của chiều rộng email với các nhóm này, đảm bảo email không bị cắt mất một phần trên màn hình.
Kiểm tra spam: Thế kỷ 21 chứng kiến sự bùng nổ của spam nên các nhà quản trị mạng sử dụng nhiều phần mềm để ngăn chặn. Bạn nên kiểm tra nội dung email bằng những công cụ như Return Path, Pivotal Veracity, Lyris hoặc dịch vụ từ các nhà cung cấp mạng Việt Nam.
Xác định lý do chính làm cho tỷ lệ hiệu quả email của bạn thấp, điều chỉnh để có hiệu quả cao hơn và liên tục giám sát các yếu tố này.
4. Email cho thiết bị di động
Theo nghiên cứu ở Mỹ, 64% những người ra quyết định kinh doanh thường xuyên kiểm tra email qua điện thoại, vì vậy, khi mà ngày càng nhiều người đọc mail bằng thiết bị di động thì chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc tạo 1 email với kết cấu riêng phù hợp với các thiết bị này. Tuy nhiên, chúng ta lại không có một tiêu chuẩn nào để tạo email cho thiết bị di động, cho nên bạn phải kiểm tra thật kỹ để tạo được mẫu tin hợp lý khi đưa vào ứng dụng.
Một số nguyên tắc chính: Nội dung đầy đủ nhưng thật đơn giản. Bạn có thể tạo mẫu tin chỉ toàn chữ, hoặc mẫu tin kết hợp chữ và hình ảnh.
Kiểm tra các dạng kích thước màn hình phổ biến, đảm bảo kết cấu phù hợp thể hiện trên màn hình thiết bị.
Hiểu khách hàng là điều quan trọng hơn cả. Kiểm tra xem người nhận email của bạn sử dụng dạng thiết bị nào, thói quen sử dụng ra sao để có những thay đổi phù hợp.
5. Hộp thư trả lời tự động (Automated email)
Đảm bảo email tự động có truyền tải đầy đủ thông tin, thương hiệu, và đính kèm thông tin và sản phẩm có liên quan. Thư này có tác dụng làm cho người nhận cảm thấy thông tin mình muốn truyền đạt được công ty quan tâm. Bước tiếp theo quan trọng là bạn phải theo dõi và giải quyết yêu cầu của khách hàng trong email.
6. Email marketing B2B và chiến dịch email marketing quốc tế
Nếu bạn quyết định chạy chương trình email ở các nước khác, đảm bảo nội dung được người bản xứ chuyên nghiệp dịch và điều chỉnh cho phù hợp văn hóa và ngôn ngữ địa phương.
7. Báo cáo và phân tích hiệu quả (Reporting/Analytics)
Báo cáo và phân tích hiệu quả là một công cụ sống còn của email marketing. Bạn phải kiểm tra phương thức đo lường của nhà cung cấp; đồng thời, phải đảm bảo bạn có thể phân tích sâu vào dữ liệu thu thập được. Có thể kể đến một vài cách đo lường như sau:
ROI (hiệu quả trên vốn đầu tư): giá trị/doanh thu của từng email mang lại, doanh thu trên số lần click, doanh thu cho toàn chiến dịch.
Tỷ lệ mở mail: số email được mở trong số email gửi đi đã trừ đi tỷ lệ gửi trả, theo công thức: Tỷ lệ mở mail = Tỷ lệ email trả về do địa chỉ không tồn tại hoặc tài khoản đã đóng. Tỷ lệ này cho thấy có vấn đề trong thu thập địa chỉ email đăng ký.
Số lần click vào link trong email (Click-Through Rate - CTR) đo bằng số lần click vào links trong một email chia cho tổng số email gửi đi. Clicks-Per-Clicker, hoặc Open-Per-Opener, đo lường số lần người nhận nhấp vào link trong mỗi email
Chúng ta cũng nên quan tâm đến một vài số liệu đo lường khác như: Tỷ lệ hủy đăng ký (Unsubscribe Rate) và báo cáo spam, đo lường xem thông tin bạn cung cấp cho khách hàng có làm vừa lòng theo đúng mong đợi của họ khi đăng ký nhận email từ bạn hay không.
So sánh với tiêu chuẩn chung của ngành. Bạn có thể vào EmailStatCenter.com hoặc các trang thống kê khác để so sánh với doanh các doanh nghiệp cùng ngành.
8. Để email không bị liệt vào dạng spam
Email có bị gọi là spam hay không là do có sự cho phép của người nhận hay không.
Danh sách người nhận phải là những người đã đồng ý nhận email của bạn, thông qua hộp đang ký opt-in, hoặc là những kênh đăng ký khác như đã nhắc đến ở mục 1 “Xây dựng và phát triển danh sách”
Nội dung của email của góp phần làm cho email bị liệt vào danh sách spam.
9. Những lỗi thường mắc phải
· Dòng tiêu đề ngớ ngẩn: Có những thông điệp sẽ làm người nhận khó chịu và bỏ qua email như sau, lưu ý đừng sử dụng chúng:
- Nói dối
- Giả bộ rằng người nhận trúng thưởng gì đó
- Giả dạng rằng người nhận yêu cầu được liên lạc khi thực tế không phải vậy
· Sai tên hoặc chức danh người nhận
· Gửi nhầm file đính kèm hoặc không kèm file khi trong nội dung email có đề cập
· Viết toàn bằng chữ IN HOA. Viết thư như vậy cũng tương tự chúng ta đang la to vào tai người đọc vậy.
10. Vài nguồn thông tin hữu ích về sử dụng email:
Trên đây là một vài điểm chính cần lưu ý giúp bạn thành công hơn trong chiến dịch email marketing của doanh nghiệp. Vì đây được xem như một kênh trong các công cụ hỗ trợ chiến lược marketing tổng thể của doanh nghiệp bạn nên bạn luôn cần lưu ý để chiến dịch phù hợp với định vị thương hiệu, khách hàng mục tiêu, v.v. nhằm mang đến hiệu quả marketing cao nhất với chi phí tiết kiệm nhất. Chúc bạn thàng công.
References:
Jupiter research
Forrester research
Direct marketing association
Jeanniey Mullen and David Daniels, Email marketing - An hour a day, Wiley 2009.
Simms Jenkins, The truth about email marketing, Pearson Prentice Hall 2009.
Baggott, Chris; Sales, Ali. Email Marketing by the Numbers : How to Use the World's Greatest Marketing Tool to Take Any Organization to the Next Level. Hoboken, NJ, USA: Wiley, 2007.